Các công nghệ sản xuất phân NPK

 

Phân bón có đảm chất lượng hay không, không chỉ phụ thuộc vào hàm lượng thành phần cung cấp mà còn chịu ảnh hưởng nhiều bởi công nghệ sản xuất.

Ngày nay, nhiều công nghệ sản xuất phân bón ngày càng phát triển và cải tiến tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, tiết kiệm, an toàn. Hãy cùng VGA tìm hiểu các công nghệ sản xuất phân bón này.

1. Công nghệ sản xuất phân Nano hydroxypatite

Là phương pháp bọc các phân tử urê bằng nano hydroxyapatite (HA) – một chất khoáng trong mô cơ thể người và động vật, được xem là thân thiện môi trường.

Ưu điểm:

Khắc phục tình trạng phân urê sau bón bị hòa tan nhanh trong đất ẩm (hạn chế khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của cây) , việc bọc urê bằng nano HA giúp giảm khoảng một nửa lượng phân bón cần sử dụng.

Trong nước, sự thủy phân của HA và urê để sinh ra nitơ diễn ra rất chậm, chỉ bằng 1/12 lần so với urê không bọc.

Cải thiện môi trường nông nghiệp một cách bền vững

2. Công nghệ urê hóa lỏng

Công nghệ urê hóa lỏng là một thành tựu công nghệ mới được ứng dụng rộng rãi ở các nước phát triển hiện nay, cho phép sản xuất các sản phẩm phân bón NPK dạng một hạt có hàm lượng đạm cao hay tổng hàm lượng dinh dưỡng cao;

Ưu điểm:

Khắc phục được nhược điểm của các công nghệ phổ biến ở Việt Nam hiện nay là giới hạn tỷ lệ urê thấp, dẫn đến tổng hàm lượng dinh dưỡng trong phân bón thấp.

Có thể đưa hoạt chất agrotain vào đạm, đưa avail vào lân để giảm 30% lượng bón.

Hạt phân chắc và đẹp, hàm lượng đạm và tổng hàm lượng dinh dưỡng cao được nén trong cùng 1 viên phân.

Tăng cường hiệu quả sử dụng, tránh thất thoát, giảm lượng phân bón, tăng khả năng hấp thụ của cây, tiết kiệm chi phí sản xuất.

Các công thức ure hóa lỏng tại VGA:

Các sản phẩm NPK của VGA được tạo ra từ công nghệ này có công thức tỷ lệ đạm, lân và kali là 30-10-10; 25-5-5; 20-10-10; 17-17-17; 17-8-25; 17-7-17; 15-15-15; 13-30-18; hoặc bất kỳ tỷ lệ nào theo yêu cầu của quý khách hàng.

 

3. Phân bón NPK công nghệ tháp cao

Đây là công nghệ sản xuất phân bón theo phương pháp hiện đại.

Trong công nghệ này, các nguyên liệu sản xuất phân bón sau khi được phối trộn sẽ được đưa sang tháp tạo hạt NPK.

Tại đây, nguyên liệu được đun nóng ở nhiệt độ nhất định, tạo thành khối dịch gần như đồng nhất. Sau đó, dịch tự động được xả xuống máy tạo hạt ly tâm. Các hạt dịch bắn ra rơi tự do trong lòng tháp được hệ thống quạt gió với tốc độ cực mạnh thổi từ dưới lên làm giảm tốc độ rơi và làm khô trước khi hạt rơi xuống sàng phân loại.

Ưu điểm:

Hạt phân tròn đều, bóng đẹp và có hàm lượng dinh dưỡng cao, đặc biệt là độ đạm từ 20% trở lên, cao hơn hẳn các loại phân bón khác.

Công nghệ tháp cao có thể tạo ra sản phẩm phân bón hỗn hợp hòa tan (100%) trong nước với các tỷ lệ khác nhau, tổng hàm lượng NPK có thể lên tới 60 - 65% và sử dụng qua hệ thống tưới nhỏ giọt.

Nhược điểm:

Sản phẩm bị phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu và công nghệ

Không thể sản xuất ra những sản phẩm chứa hàm lượng thấp

Các công thức Tháp cao tại VGA

Các sản phẩm NPK của VGA được tạo ra từ công nghệ này có công thức tỷ lệ đạm, lân và kali là: 30-10-10; 25-5-5; 20-20-15; 20-10-10; 19-19-19; 17-17-17; 17-8-25; 17-7-17; 15-5-25; 15-15-15 Hoặc bất kỳ tỷ lệ nào trong khoảng đạm chiếm từ 5 - 30%, lân từ 5 - 20% và kali từ 5 - 30%, tổng 3 thành phần không vượt quá 65%.

4. Công nghệ phân bón tan chậm có kiểm soát

Công nghệ lý - hóa đặc biệt tạo ra những hạt phân chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng đa lượng, trung lượng và vi lượng. Lượng chất dinh dưỡng được phân giải một cách từ từ, khoa học cho tất cả các cây trồng trong khoảng thời gian 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng... cho tới 24 tháng.

Cấu tạo của hạt phân bón chậm tan có kiểm soát bao gồm: Phần vỏ bọc là các lớp polymer với độ dày khác nhau; phần nhân là các khoáng chất như N, P, K, Ca, Mn, Boron, Fe,..

Sau khi phân được bón, nước sẽ thấm qua lớp bọc polymer đi vào bên trong hạt phân; các nguyên tố khoáng chất sẽ hòa tan vào nước ở trong lớp bọc polymer.

Nước tiếp tục thẩm thấu qua lớp polymer đi vào bên trong hạt phân và trong thời gian đó, các nguyên tố khoáng đã hòa tan sẽ khuếch tán qua lớp polymer đi ra môi trường xung quanh.

Các nguyên tố khoáng này là nguồn dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng. Quá trình phân giải các phần tử khoáng hòa tan bên trong hạt phân tiếp tục diễn ra cho đến khi các phần tử này khuếch tán hết ra ngoài môi trường, chỉ còn lớp bọc polymer và nước. Sau một thời gian, lớp bọc này sẽ tự phân hủy và không ảnh hưởng đến môi trường và nguồn đất.

Ưu điểm:

Lượng chất dinh dưỡng nằm trong hạt phân được phân rải một cách khoa học, từ từ cho tất cả các cây trồng.

Tiết kiệm lượng phân bón sử dụng

Không ảnh hưởng tới nguồn đất và môi trường.

Các công thức Phân bón tan chậm có kiểm soát tại VGA

Các sản phẩm NPK của VGA được tạo ra từ công nghệ này có công thức tỷ lệ đạm, lân và kali là 30-10-10; 25-5-5; 20-10-10; 17-17-17; 17-8-25; 17-7-17; 15-15-15; 13-30-18; hoặc bất kỳ tỷ lệ nào theo yêu cầu của quý khách hàng.

 

5. Công  nghệ sản xuất phân bón công nghệ hơi nước

Các nguyên liệu sản xuất phân  bón được trộn đều sau đó được đưa vào máy tạo hạt. Trong máy tạo hạt thùng quay các nguyên liệu được phối hợp hỗn hợp với nhau và kết dính với nhau nhờ hơi nước và ure hóa lỏng.

Sau khi đã được trộn đều và tạo thành các cốt hạt, các hạt này tiếp tục được chuyển sang máy sấy thùng quay, bán thành phẩm trong máy sấy vừa được tạo hạt vừa được sấy khô rồi chuyển sang máy làm nguội và sàng phân loại.

Các hạt không đạt kích thước được nghiền nhỏ và tái chế, các hạt đạt kích thước được chuyển sang máy đánh bóng (giúp bóng hạt và chống đóng tảng), cuối cùng là chuyển sang đến hệ thống đóng bao thành phẩm.

Ưu điểm:

Sản phẩm có kích thước tròn, bóng đẹp, đồng đều, hàm lượng dinh dưỡng cao

Công thức có thể điều chỉnh hợp lý theo nhu cầu của từng loại cây trồng

Hàm lượng dinh dưỡng trong sản phẩm ổn định

Yêu cầu về nhiều công thức phân bón khác nhau, hàm lượng đạm không bắt buộc phải cao. 

Nhược điểm:

Giới hạn của các chủng loại sản phẩm có thể được sản xuất được và nguyên liệu có thể được sử dụng. Thành phần của sản phẩm phân NPK phải được định trước, sao cho nhiệt và nước của hơi nước sẽ tạo ra những tác động kết tụ mong muốn.

Hàm lượng một số chất dinh dưỡng, nhất là thành phần chứa đạm, bị hạn chế trong một phạm vi nhất định do những yêu cầu về quá trình và tính chất vật lý (thông thường hàm lượng urê phải được giữ ở mức tối thiểu).

Tính chất vật lý của sản phẩm hạt tạo ra bằng phương pháp này cũng kém hơn so với phương pháp tạo hạt hóa học.

 

6. Tạo hạt bằng nén ép

Sử dụng lực cơ học để tạo thành các viên phân bón đặc từ các hạt rời hoặc bột.

Ưu điểm:

Phương pháp nén ép kết hợp tất cả các thành phần vào hạt phân bón để tạo ra sản phẩm phân bón với thành phần dinh dưỡng mong muốn.

Quá trình sản xuất trở nên rất đơn giản, ít tiêu hao năng lượng, công thức của sản phẩm có thể được thay đổi dễ dàng và nhanh chóng, mức ô nhiễm cũng giảm do chỉ sử dụng nguyên liệu khô.

Giá thành đầu tư tương đối thấp so với phương pháp tạo hạt bằng hóa học, yêu cầu ít nhân công hơn và vận hành đơn giản hơn.

Có thể sử dụng nhiều loại nguyên liệu và cho ra nhiều chủng loại phân bón khác nhau.

Nhược điểm:

Nguyên liệu phải có hàm lượng ẩm hạn chế.

Hạn chế sử dụng một số nguyên liệu như urê, supephôtphat và amoni nitrat.

Cạnh mép của sản phẩm nén ép thường có xu hướng vỡ và tạo thành hạt mịn nếu không được xử lý thích hợp.

Các hạt được sản xuất ra không có dạng tròn, hình dạng các hạt cũng không đồng đều như ở các phương pháp tạo hạt khác, tạo cảm quan không lợi về sản phẩm.

 

7. Phối trộn các thành phần rời

Là phương pháp phối trộn vật lý mà không tiến hành các phản ứng hóa học. Quy trình phối trộn đòi hỏi phải sử dụng các nguyên liệu thích hợp với tỉ lệ thích hợp để đảm bảo yêu cầu về các chất dinh dưỡng.

Sản phẩm phân bón trộn phải có những đặc điểm sau: không vón cục, tỉ lệ thành phần theo yêu cầu, các thành phần không bị tách rời, không hút ẩm quá nhiều.

Ưu điểm :

Vốn đầu tư xây dựng thấp hơn, dễ vận hành

Linh hoạt thay đổi công thức và chủng loại sản phẩm phân bón

Chất lượng sản phẩm phụ thuộc vào chất lượng và tính tương thích của nguyên liệu được sử dụng.

Nhược điểm:

Đôi khi không thể sử dụng nguyên liệu chất lượng cao, thích hợp cho phương pháp phối trộn.

Có thể xảy ra hiện tượng tách rời các thành phần do cỡ hạt các loại nguyên liệu không tương thích và thao tác không đúng.

Khó kết hợp các chất vi dinh dưỡng vào các hạt phân bón.

 

 

-----------

Bạn cần tư vấn và hỗ trợ liên hệ Công ty CPTM Nông Xanh Việt VGA

Địa chỉ: 160/7 Linh Trung, Khu phố 3, Phường Linh Trung, TP. Thủ đức, TP.HCM

Đại diện thương mại Ms.Ngọc: 0965501339       Email: vga@groupvga.com.vn

.